Khi ở độ tuổi có một khoản thu nhập và tích lũy nhất định hoặc gia đình cho. Chắc hẳn việc tìm kiếm một ngành nghề để làm tư (tự làm chủ) là điều rất chính đáng. Không ít anh chị chọn mở tiệm tạp hóa, siêu thị mini. Nhưng đáng buồn theo kinh nghiệm của mình, Trung nhận thấy không nhiều anh chị thật sự thành công khi kinh doanh tạp hóa, siêu thị. Số đông thường khá mập mờ khi lần đầu dấn thân vào công việc kinh doanh. Chính vì thực trạng này, Trung sẽ chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa, siêu thị của bản thân. Nhất là trong giai đoạn công nghệ 4.0 đang len lỏi đến mọi nơi. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp anh chị quyết định có nên tham gia bán tạp hóa hay không. Nào cùng bắt đầu.
Đôi nét về tác giả: Mình tên đầy đủ là Mạc Văn Trung. Trung có kinh nghiệm hơn 5 năm trong lĩnh vực tư vấn quản lý kinh doanh. Bản thân Trung cũng đã làm chủ từ năm 25 tuổi với mô hình quán cafe và tạp hóa. Chính vì vậy Trung mong rằng những chia sẻ thực tế này sẽ giúp anh chị tránh những thất bại không đáng có. Đồng thời có riêng cho mình cách làm để thành công.
Kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa siêu thị – Không có công thức chuẩn
Ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển nhất là mạng xã hội. Chúng ta đã quá quen thuộc với các chia sẻ của người thành công về kinh doanh. Họ đóng khung những công thức và chia sẻ đến mọi người. Và những người xem cũng mong rằng áp dụng y sì và cũng thành công. Nhưng trên thực tế không phải như vậy. Tại sao?
Về căn bản mỗi con người sẽ có tính cách khác nhau, số phận khác nhau. Chính vì vậy mà mỗi người sẽ phù hợp với những công việc riêng. Có người rất giỏi làm thuê, nhưng không có khả năng làm chủ. Nếu họ làm chủ thì thế giới sẽ mất đi 1 người làm giỏi và thêm 1 ông chủ tồi. Điều này không có nghĩa Trung bảo rằng các anh chị không được bước ra khỏi ngành nghề thế mạnh của mình. Mà Trung muốn anh chị hiểu được rằng, ngành bán lẻ không phải dành cho tất cả mọi người. Và cũng chẳng có công thức thành công nào cả.
Xem thêm: Kinh nghiệm sang quán tạp hóa
Không có công thức thành công – Chỉ có kinh nghiệm và thị trường
Bạn đang rất hào hứng khi đang có khoảng 300tr để khởi nghiệp kinh doanh. Bạn mong rằng 300tr này sẽ biến thành 500tr sau 1 năm và thành 1 tỷ sau 3 năm. Bạn hào hứng tìm đến đơn vị để thuê mặt bằng, mua hàng, bảng việc để bắt đầu làm giàu. Trong khi bạn đang cực kỳ máu lửa và sùng sục khí thế thì thị trường tạt cho bạn 1 gáo nước lạnh vì bạn cung cấp cái mà nó không cần. Bạn nhận ra rằng mình đã quá nôn nóng, bạn cho rằng kinh doanh chỉ cần có kiến thức là đủ mà quên đi 2 yếu tố: Kinh nghiệm và thị trường mới thật sự đáng giá hơn kiến thức.
Trong khi kiến thức là tư duy Logic nhưng nhiều khi thị trường không nghĩ như thế. Đặc biệt bạn cần phải tham khảo kinh nghiệm của những chuyên gia tư vấn, kinh nghiệm của những người đã làm. Họ thất bại, họ thành công đều có những điều bạn cần học. Họ thành công bạn có thể học cái hay của họ. Họ thất bại bạn học cách đừng đi vào vết xe đổ của họ.
Hiểu đúng về kinh nghiệm
Nhiều người cho rằng kinh nghiệm thì phải bỏ tiền ra làm mới là kinh nghiệm. Nhưng thực tế thì các chuyên gia, những người thấy và tiếp xúc với nhiều người thì kinh nghiệm của họ mới thật sự đáng để học. Một người chủ họ chỉ có 1 góc nhìn, nhưng 1 chuyên gia tư vấn họ có hàng chục, hàng trăm góc nhìn của những người chủ. Nên họ có sự khách quan hơn về 1 vấn đề nào đó.
Vậy tại sao chuyên gia không im lặng mà làm để thành công mà phải chia sẻ. Có không ít chuyên gia họ cũng làm nhưng thu nhập chính của họ vẫn là tư vấn. Họ giỏi hơn trong việc tư vấn đề người khác làm thành công. Chưa chắc họ làm đã thành công đâu. Lý do thì như đã nói ở trên, mỗi người sẽ có mỗi thế mạnh.
Nói vậy để làm gì? Mình mong rằng các anh chị sẽ có nhiều góc nhìn hơn, nhiều nguồn để học tập để thành công hơn. Vì không phải ai làm và thành công cũng chịu chia sẻ đến cộng đồng.
Xem thêm: Báo cáo kết quả kinh doanh tạp hóa
Đừng phủ định thị trường
Không ít người đi bán cái mình thích và nghĩ rằng thị trường sẽ thích. Bản thân mình thấy rất nhiều người mất tiền học phí vì lý do này. Họ thiếu cái nhìn thật nghiêm túc và sâu sắc về nhu cầu người dùng. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi các chương trình chiết khấu, khuyến mãi. Mình luôn tin rằng kinh doanh là bán cái người khác cần chứ không phải bán cái mình có.
Dễ hiểu hơn bạn có thể tưởng tượng: Người mua 1 cái khoan đôi khi họ không cần 1 cái khoan mà họ cần 1 cái lỗ trên trường. Chính vì vậy mà cá dịch vụ sửa chữa hỗ trợ nhà cửa ra đời.
Xem thêm: Phần mềm quản lý tạp hóa, siêu thị
08 kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa siêu thị cho người mới bắt đầu
Đối tượng chính của chia sẻ này là những người sắp tham gia vào ngành bán lẻ. Vì mình tin rằng không ít anh chị khi lao vào kinh doanh sẽ nhận ra được hay một số kinh nghiệm bên dưới. Tuy nhiên nếu bạn đang kinh doanh tạp hóa, siêu thị thì cũng nên tham khảo. Biết đâu bạn sẽ tìm ra cho mình hướng phát triển vượt bật thì sao.
1. Mất lửa là mất hết
Khi làm bất cứ điều gì, mục đích và lửa đam mê là cực kỳ quan trọng. Mình luôn cho rằng trong kinh doanh thì tiền bạc, lợi nhuận là một chỉ số đo lường sự thành công. Khi con người ta có đam mê với cái mình đang làm, hết mình để hướng đến mục tiêu của bản thân thì họ sẽ tìm cách để tạo ra nhiều giá trị nhất cho cuộc sống. Khi đó đam mê bạn sẽ làm việc không biết mệt mỏi. Tuy nhiên thực tế không ít anh chị quả tạp hóa, siêu thị không giữ được ngọn lửa đam mê của ngày đầu.
Khi lượng khách hàng không đạt như kỳ vọng, mức doanh thu quá ít và phải bù lỗ. Lúc này bạn bắt đầu chán nản và đặt câu hỏi về hướng đi, công việc của mình. Sẽ có anh chị tìm cách giải quyết để khắc phục việc kinh doanh. Có anh chị lại chọn cách dừng lại và xem việc đầu tư này là thất bại. Mình không cho việc dừng lại là sai, tiếp tục chiến đấu là đúng. Bởi vì rút lui đúng lúc có khi lại tốt hơn lao đầu để tại tiếp tục thất bại nặng nề thêm. Những bạn cần phải hiểu và xác định tâm lý từ đầu. Để nếu có thất bại hay thành công thì cũng đã hết sức cho công việc kinh doanh này.
Vì thế trước khi bắt đầu bạn cần chuẩn bị cho mình thật kỹ tâm lý:
- Bạn có hợp với việc mở tiệm tạp hóa không. Hãy bạn chị thấy người ta làm được là nghĩ mình làm được.
- Không có việc làm chủ nào là dễ dàng. Tất cả đều cần tư duy, cố gắng và cả sự may mắn.
- Phải có cách duy trì năng lượng làm việc, sự cố gắng làm việc thật sự khôn ngoan để phát triển công việc kinh doanh.
- Phải tìm ra sự khác biệt của mình so với các cơ sở khác. Để giá trị mình mang lại cao hơn, doanh thu cao hơn.
Ngọn lửa đam mê là thứ giúp bạn thấy được việc kinh doanh này có ý nghĩa. Nó mang lại giá trị cho khách hàng, cho xã hội. Khi bạn chỉ nghĩ nó là công cụ kiếm tiền thì sớm hay muộn lửa đam mê của bán sẽ bị dập tắt.
2. Nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu
Xung quanh khu vực bạn muốn kinh doanh tình trạng dân cư như thế nào. Có nhiều dân văn phòng, học sinh sinh viên hay không. Những mặt hàng tiêu dùng thường xuyên của những khách hàng này ra sao. Lượng người quen sẽ mua hàng của bạn tại địa điểm kinh doanh ra sao.
Đối thủ cạnh tranh trong khu vực của bạn có nhiều không. Đặc biệt là các đối thủ là chuỗi bán lẻ thì nên tránh ở gần họ.
Ngành tạp hóa siêu thị chuyên cung cấp sản phẩm là FMCG (Tiêu dùng nhanh) chính vì vậy quyết định mua hàng của khách hàng sẽ rất nhanh. Việc hiểu càng sâu về mặt dân cư, văn hóa tiêu dùng của khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn có những quyết định kinh doanh chuẩn xác hơn.
Tỉ lệ mua hàng của ngành tạp hóa: 30% là khách vãng lai, 70% khách hàng thường xuyên. Chính vì vậy bạn hiểu và chăm sóc khách hàng thường xuyên tốt sẽ giúp doanh số bán hàng được duy trì.
Ngoài doanh số từ việc bán hàng là chính. Việc được chiết khấu bởi nhà phân phối, chi phí hỗ trợ trưng bày của nhãn hàng, bán carton dư, chai lọ cũng là một nguồn thu kha khá của cửa hàng tạp hóa.
3. Chọn sai mặt bằng – Sai hết
Khác với mảng dịch vụ lấy chăm sóc khách hàng làm động lực cạnh tranh. Đối với ngành bán lẻ tạp hóa, siêu thị sản phẩm là yếu tố quyết định. Tất nhiên chủ tạp hóa không thể điều chỉnh giá trị và công năng sản phẩm được. Điều này thuộc phạm vi của các nhà sản xuất.
Khách hàng mua hàng hóa của cửa hàng tạp hóa, siêu thị vì 3 yếu tố:
- Tiện đường;
- Sản phẩm đúng nhu cầu;
- Quen biết với người chủ;
Tiện đường: Đối với một cửa hàng ở địa điểm ít dân cư, đường xá xấu người dân ngại qua lại so với một địa điểm đông dân, vị trí đẹp thì chắc chắn lượng khách hàng sẽ đông hơn nhiều.
Sản phẩm đúng nhu cầu: Một cửa hàng đa dạng hàng hóa, sản phẩm mới sạch sẽ chắc chắn sẽ được cảm tính hơn là bụi bặm, nhìn cũ xì. Lần đầu thì không nói nhưng các lần sau ai mà dám mua nữa.
Quen biết với chủ: Đa phần các cửa hàng tạp hóa được mở ra tại địa điểm sinh sống của người chủ. Chính vì vậy mối quan hệ với khách hàng tiềm năng sẽ giúp bạn bán được một lượng lớn hàng cho người thân quen.
Kinh nghiệm chọn mặt bằng kinh doanh tạp hóa siêu thị
- Hãy chọn mặt bằng tại vị trí đông dân cư, nhất là mặt bằng lượng người qua lại, dừng đỗ đông đúc. Hãy chú ý tới các trường học, khu dân cư, khu công nghiệp.
- Đỗ xe và trông xe dễ dàng. Việc quyết định mua hàng của khách hàng chỉ diễn ra trong khoảng 5s nên sự tiện lợi để tấp vào là yếu tố quan trọng.
- Độ rộng của mặt bằng phù hợp. Đừng qua ham mặt bằng lớn những không sử dụng tối ưu. Bạn cần cân nhắc vào giá thuê và số vốn của mình để chọn mặt bằng diện tích phù hợp.
- Khả năng sửa sang địa điểm kinh doanh có được chủ nhà cho phép hay không. Kết cấu địa điểm thuê có tốt không. Điện nước bố trí ra sao. Đừng dại thuê các nhà quá tệ hoặc không cho điều chỉnh để kinh doanh nhé.
Có nên dùng mặt bằng của mình để kinh doanh tạp hóa
Bạn có mặt bằng của gia đình và muốn mở tạp hóa để kinh doanh. Nhưng bạn cần phải cân đối về bài toán tài chính nên tự kinh doanh hay cho thuê. Thử tưởng tượng 1 tháng bạn cho thuê mặt bằng đó và thu được 7tr và tự kinh doanh lời 8tr. Thì nên cho thuê cho khỏe hay tự kinh doanh để lời nhiều hơn 1tr/tháng.
Mình nhận thấy không ít anh chị có mặt bằng và cho thuê thay vì tự kinh doanh. Họ để thời gian và sức lực và dòng tiền cho thuê để đầu tư làm việc khác. Đặc biệt mặt bằng được cho thuê kinh doanh có thể tăng giá trị. Đây mới là lợi nhuận chính khi cho thuê.
Kinh nghiệm deal giá thuê mặt bằng khi kinh doanh tạp hóa
Bạn đã nhắm được 1 số mặt bằng đạt theo tiêu chí đưa ra ở phần kinh nghiệm chọn mặt bằng. Bạn không biết nên chọn mặt bằng nào thì bạn nên cân đối về giá thuê và chủ nhà.
Chủ nhà của chỗ bạn đang sắp thuê tính cách ra sao, có khó khăn hay không. Họ là người dễ tính, thân thiện hay khó tính. Chọn bạn mà chơi, chọn chủ mà thuê luôn đúng trong trường hợp này.
Bạn không biết giá thuê mà chủ đưa ra có hợp lý không. Bạn sắp ký hợp đồng thuê 3 năm nhưng sợ giá cao hơn thực tế. Lúc này bạn cần phải hỏi những cơ sở kinh doanh gần đó về mức giá thuê mặt bằng trong khu vực. Từ đó bạn sẽ có dữ liệu tốt hơn để trả giá thuê.
Ngoài ra việc thăm dò thêm các yếu tố sau đây giúp bạn có vị thế deal giá thuê mặt bằng tốt hơn:
- Độ gấp rút của chủ nhà cho thuê;
- Bạn không được tỏ ra phải thuê cho bằng được, nhưng cũng đừng tỏ thái độ có nhiều lựa chọn nên có ý coi thường mặt bằng đang deal nhé. Trong kinh doanh điều này là cực kỳ xấu xí.
- Những mặt bằng trống trong khu vực có khả năng thay thế. Nếu mặt bằng chung tại khu vực có giá thuê 10tr/tháng nhưng thời điểm hiện tại có nhiều mặt bằng trống. Thì bạn hoàn toàn có thể deal giá 6 tháng đầu giá thấp hơn khoảng 8-9tr/tháng. Điều này là rất hợp lý mà chủ nhà có thể hoàn toàn happy để giảm cho bạn.
- Thời gian thuê càng dài thì mức giá sẽ tốt hơn. Bởi vì lúc này chủ nhà không phải cực khổ đi tìm người thuê mới.
Thời gian thuê mặt bằng bán lẻ nên là bao lâu
Đối với các ngành nghề cần chi phí setup cao như nhà hàng cafe thì ít nhất người chủ phải thuê từ 3 năm. Còn đối với ngành bán lẻ chi phí setup không quá lớn nhưng bạn ít nhất phải thuê 2 năm để tối ưu khấu hao tài sản cố định. Thời gian tuyệt nhất là 3 năm để cửa hàng đạt mức lợi nhuận tốt.
Hết sức cân nhắc thời gian thuê tới 5 năm hoặc hơn vì càng dài thì tình hình kinh tế, xã hội khu vực có nhiều biến đổi. Thà thuê tầm 3 năm rồi thuê tiếp để hạn chế rủi ro dài hạn hơn là ký 1 phát 5 năm. Muốn dừng cũng phải mất khoản cọc.
Điều khoản hợp đồng thuê mặt bằng nên chú ý gì
Tại Việt Nam người ta hay nói “Vô phúc đáo tụng đình” có nghĩa là ra tòa là mệt mỏi lắm. Chính vì vậy trong việc ký kết hợp đồng bạn cũng hết sức tỉnh táo và rõ ràng. Không ít vụ thuê mặt bằng chia tay không suôn sẻ bởi vì khi ký hợp đồng cả nể nhau không siết chặt các vấn đề có thể xảy ra.
Một số vấn đề cần thể hiện và quy ước rõ từ đầu khi thuê mặt bằng kinh doanh tạp hóa:
- Mặt bằng có cho phép xây thêm không. Hư hỏng, sửa chữa ai chịu trách nhiệm về chi phí;
- Chi phí phòng cháy chữa cháy, rác sinh hoạt, điện nước tính ra sao.
- Mức tăng giá thuê từng năm thông thường từ 7 đến 10%.
- Thời hạn thuê là bao lâu, hết thời hạn thuê có được gia hạn không. Việc gia hạn được quyết định ra sao.
- Tình trạng bàn giao và bàn trả mặt bằng ra sao.
- Có chia sẻ camera cho chủ hay không.
- Nghĩa vụ pháp lý ai sẽ lo về giấy tờ v.v
Có nên mở tạp hóa trong hẻm
Tự dưng hôm nay có 1 anh và 1 chị hỏi nhờ mình tư vấn có nên mở tạp hóa trong hẻm không. Giật thót mình hỏi lý do thì cả 2 đều trả lời na ná như sau:
Thuê mặt bằng ngoài tốn kém nhiều chi phí, phải sửa sang mới cạnh tranh được. Anh lấy nhà trong hẻm làm cho nó ít chi phí.
Anh làm thử trước, nếu bán được a chuyển ra ngoài.
2 lý do này mình nghĩ là nhiều anh chị làm theo cách này. Nhưng thật sự có nên làm vậy hay không. Mình dựa trên 2 yếu tố sau mình chia sẻ đến anh chị.
Thứ nhất là chi phí cơ hội
Thay vì mở tiệm tạp hóa trong hẻm, anh chị đi làm thuê cái nào ngon hơn. Bán tạp hóa trong hẻm 1 tháng làm gì kiếm dược 6tr như đi làm thuê bên ngoài. 6tr là còn ít nếu anh chị có khả năng.
Mở tạp hóa anh chị bị chôn khúc vốn, trong khi vốn đó đi mua vàng cất, mua đô trữ hoặc bỏ ngân hàng cũng có tí lời. Bán tạp hóa trong hẻm có khi còn lỗ.
Thứ hai là khả năng thành công thấp
Làm quán cafe trong hẻm mà có sự khác biệt thì khách họ còn ghé. Còn với tạp hóa “Sai mặt bằng là tạch hết”. Vì thế bạn không chịu chi tiền mặt bằng để có khách thì chỉ từ lời chút chút, hòa hoặc lỗ tiền công bản thân thôi.
Mấy ai chịu vô hẻm để mua tạp hóa trừ dân trong đó. Dân trong đó mấy ai chịu mua khi họ có thể mua bên ngoài, siêu thị v.v
Mở tạp hóa là 1 cuộc chơi về sản phẩm, giá bán và đặt biệt là mặt bằng. Anh chị nên hiểu nó là đầu tư để kiếm khách, để bán được hàng. Nếu tư duy nó là chi phí thì khó thành công được.
4. Tài chính của bạn có – Khả năng huy động
Một kế hoạch tài chính chi tiết là hết sức cần thiết để bạn hiểu được dòng tiền khi kinh doanh sẽ ra sao. Bạn cũng nên thủ sẵn 1 khoản dư ra để duy trì hoạt động trong thời gian đầu. Bởi vì giai đoạn này số lượng khách hàng chưa được nhiều. Đặc biệt là trường hợp bạn thuê người đứng bán.
Những chỉ số tài chính bạn cần quan tâm:
- Chi phí sửa sang, decor cửa hàng;
- Chi phí tủ lạnh, tủ đông;
- Chi phí nhập hàng ban đầu;
- Chi phí phần mềm quản lý;
- Chi phí thuê, đăng ký kinh doanh;
- Chi phí thuê nhân sự nếu có;
- Chi phí quảng bá, khuyến mãi khai trương.
Xem thêm: Tài chính cơ bản khi kinh doanh cửa hàng tạp hóa, siêu thị (Đang cập nhật)
5. Lựa chọn đúng sản phẩm sẽ bán
Khi đã tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường (khách hàng mục tiêu) trong khu vực. Bạn sẽ nhắm vào các ngành hàng chính mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt. Các mặt hàng bạn cần phải có là:
- Gia vị nấu ăn, đồ hộp;
- Đồ dùng giặt giũ, gội đầu, dầu xả;
- Nước suối, nước ngọt;
- Kẹo bánh được ưa thích;
- Các loại sữa;
- Kẹo bánh, đồ uống phục vụ quà tặng;
- Các loại mì gói, cháo, thức khô;
- Giấy, băng vệ sinh;
- Đồ đông lạnh, kem;
- Bàn chải, kem đánh răng;
Xem thêm: Danh mục sản phẩm ngành tạp hóa, siêu thị (Đang cập nhật)
Những sai lầm khi nhập hàng hóa khi kinh doanh tạp hóa
Mua quá nhiều hàng: Khi bắt đầu mở cửa hàng tạp hóa sẽ rất khó để bạn nắm được chính xác những hàng nào bán chạy, hàng nào không. Trừ khi bạn đã có dữ liệu phần mềm quản lý bán hàng của cửa hàng tương tự. Chính vì vậy hãy nhập ít để thăm dò thị trường trước. Đừng bị những chương trình khuyến mãi up sale của nhà cung cấp mà nhập một đống sản phẩm. Để rồi không bán được lại ôm mặt khóc.
Phủ định nhu cầu khách hàng: Nghĩ mình cần là người khác cần hay phủ định thị trường. Không ít anh chị mở cửa hàng ra để bán cái mình cần mà không biết khách hàng cần gì. Điều này khiến cho khách hỏi hàng nào cũng thiếu nhưng hàng mình có chả ai hỏi. Nên tốt nhất hãy dành thời gian ngồi quan sát các tiệm tạp hóa khác họ bày hàng gì, bán hàng gì rồi học theo là ngon nhất.
Căng thẳng khi không có hàng khách cần: Bạn phải hiểu rằng nhu cầu mua hàng tạp hóa là vô biên. Và bạn không thể cái gì cũng có khi bạn mới mở đầu. Nên khi khách hàng hỏi hàng mà bạn không có thì đừng căng thẳng mà hãy bình tĩnh xử lý.
- Có mặt hàng nào có thể thay thế nhu cầu của anh ta không. Anh ta cần mua lốc nước yến Sanest để tặng cho bà mình nhưng mình không có thì tại sao không tư vấn nước yến Thiên Đình mà mình có.
- Nhu cầu của anh ta nhưng nhu cầu này rất ít. Không phải cứ có 1 người cần là bạn đã nhập về cả chục hàng để rồi chỉ bán cho mỗi anh ta và cả tháng mới mua 1 lần. Hãy hết sức tỉnh táo để đánh giá nhu cầu khách hàng.
6. Kế hoạch tiếp thị và bán hàng
Trong kinh doanh tạp hóa đừng mong rằng hữu xã tự nhiên hương. Hãy chủ động phát triển khách hàng của mình thông qua bảng hiệu, thông điệp và khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Tên cửa hàng: Bạn cần 1 cái tên ngắn, dễ nhớ và gây ấn tượng. Ví dụ tạp hóa Chị Ong Nâu, Tạp hóa vui vẻ v.v Những cái tên có thể để lại định vị trong lòng khách hàng khiến họ không thể không nhớ đến bạn.
Chi tiền cho bảng hiệu và không gian bên ngoài: Khi mà các tiệm tạp hóa không có sự khác biệt vê sản phẩm thì việc có cái nhìn thiện cảm từ khách hàng là cực kỳ quan trọng. Vì vậy đừng dại mà tiết kiệm chi phí để bố trí bảng hiệu và phía trước cửa hàng thật sáng sủa. Tính ra chi phí khoảng 3tr/1 năm thì mỗi tháng chỉ có 250.000đ/tháng thôi. Nhưng lượng khách hàng từ việc này sẽ rất khác biệt.
Khuyến mãi, tặng quà để nhiều khách hàng biết đến: Rất nhiều anh chị chủ cửa hàng tạp hóa đã thực hiện cách này và làm cho những cửa hàng tạp hóa khác trong khu vực sốc. Mỗi lần mua hóa đơn 50.000đ sẽ được 1 điểm đạt đủ 10 điểm tức chi tiêu 500.000đ sẽ được tặng 1 phần quà trị giá 50.000đ (giá vốn 40.000đ). Tức là bạn chỉ tốn 8% chi phí cho phát triển khách hàng mới. Hoặc bạn cũng có thể đẩy mức quà tặng lên cao hơn nữa nếu muốn. Khi kết thúc chương trình bạn sẽ thu được 1 lượng lớn khách hàng thân quen.
Còn rất nhiều cách thức khác nữa mà bạn có thể học hỏi từ các ngành hàng khác như tặng quà sinh nhật, bốc thăm trúng thưởng. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong các cửa hàng tạp hóa vì không nhiều nơi làm điều này. Cả khu phố sẽ bàn tán về bạn và thế là việc kinh doanh phát triển rất tốt.
7. Kinh nghiệm chọn nhà cung cấp uy tín khi kinh doanh tạp hóa
Rất khó để chọn được nhà cung cấp uy tín, nhất là đối với người mới vào nghề. Bạn có thể tìm tòi, hỏi han từ người quen đã kinh doanh. Trường hợp thân quen thì mới được chứ người lạ thì khó để họ chia sẻ cho bạn lắm. Nếu không có cơ sở quyết định thì bạn nên nhập của nhiều nhà cung cấp để thăm dò. Sau khi đã cộng tác thời gian đủ để hiểu được họ thì bạn nên tập trung 1 số nhà cung cấp ít thôi.
Đối với các nhà cung cấp, họ thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, chiết khấu. Bạn nên thân thiết với các nhân viên kinh doanh để cập nhật liên tục các chương trình này. Tuy nhiên hãy nhớ rằng chỉ nên nhập hàng hóa bán được hàng, chứ dù có khuyến mãi mà hàng không bán được thì thấy lời đó những thực tế là lỗ tè le.
8. Pháp lý khi kinh doanh tạp hóa
Bạn cần đăng ký kinh doanh hộ gia đình, cá thể khi kinh doanh tạp hóa. Các giấy tờ về phòng cháy chữa cháy cung nên có đầy đủ để kinh doanh thuận lợi. Các khoản thuế, phí cần đóng đúng hạn. Các giấy tờ cần thiết bao gồm:
- Giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể (theo mẫu);
- Bản sao công chứng CMND, hộ khẩu;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng thuê mặt bằng.
Bộ hồ sơ này bạn có thể liên hệ Phòng tài chính, kế hoạch tại Quận/Huyện đặt vị trí kinh doanh để được họ hỗ trợ. Đóng thuế phí đầy đủ là kinh doanh được rồi. Hoặc bạn cũng có thể mở trước, bổ sung sau cũng không sao đâu.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Trung về chủ đề kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini. Rất mong những chia sẻ tổng qua này sẽ giúp ích được anh chị khi bước vào việc kinh doanh dầu tiên của mình. Chúc anh chị thành công.