Nếu bạn kinh doanh mảng F&B (nhà hàng cafe) trong giai đoạn 2016 – 2019 chắc chắn bạn có thể đã sử dụng hoặc được gặp nhân viên kinh doanh của Ocha. Một công ty phần mềm quản lý bán hàng khá non trẻ tại Việt Nam nhưng không giấu tham vọng lớn. Vậy Ocha là công ty như thế nào, được hậu thuẫn với ai và tại sao cho đến nay họ đã mất hút trên thị trường.
Ocha là công ty như thế nào
Những năm 2016 cộng đồng FnB Việt Nam dậy sóng với sự xuất hiện của một công ty phần mềm quản lý bán hàng khá non trẻ với cái tên Ocha. Nhưng thật sự đây không phải là tay mơ khi đứng sau họ là cái tên Sea Group.
Nếu bạn chưa biết Sea Group là ai thì đây là tập đoàn có trụ sở tại Singapore với vốn đầu tư lớn từ Tencent. Sea group sở hữu cho mình hệ sinh thái gồm:
- Công ty Game hàng đầu ĐNA: Garena – Tại Việt Nam là Viet Nam Esport: Công ty phát hành trò chơi điện tử hàng đầu Việt Nam như: Liên minh huyền thoại, Free Fire, Liên Quân Mobile, Fifa Online v.v
- Shopee – Chắc không cần bàn nhiều;
- Cổng thanh toán SeaMoney: Tại Việt Nam là AirPay mà bây giờ là ShopeePay.
Nếu nói về độ lớn thì đây là tập đoàn công nghệ khổng lồ tại Châu Á được hậu thuẫn bởi nguồn vốn lớn. Chính vì vậy không quá ngạc nhiên Ocha khôn giấu tham vọng trở thành đơn vị cung cấp phần mềm quản lý bán hàng hàng đầu Việt Nam.
Đội ngũ nhân sự của Ocha
Ocha có đội ngũ nhân sự, quản lý và kỹ thuật hùng hậu của Sea Group. Họ hoàn toàn có thể luân chuyển các vị trí trong công ty cho từng mục đích, chiến lược kinh doanh khác nhau. Chính vì thế Ocha có lợi thế rất lớn khi nhân sự của họ là những nhân viên rất thiện chiến.
Mr Quản từng được tham gia vào một buổi đào tạo nhân sự kinh doanh của Ocha. Thấy được cách họ triển khai để nhân viên đi thị trường thì mới hiểu được sức mạnh của họ nư thế nào.
Sản phẩm của Ocha
Như các công ty anh em của mình, Ocha vẫn là một công ty công nghệ trong mảng phần mềm quản lý bán hàng. Các bạn có thể hình dùng trong hệ sinh thái của Sea sẽ bao gồm rất nhiều mảng liên quan tới hỗ trợ kinh doanh. Trong đó Ocha sẽ đóng vai trò có mặt tại các cửa hàng cùng với AirPay. Chính vì thế đây là một công cụ giúp Sea có thể thâu tóm được thị trường hỗ trợ kinh doanh rất màu mỡ tại Việt Nam.
Điểm mạnh nhất của Ocha là họ tiên phong trong việc cung cấp máy POS chạy hệ điều hành Android. Trên máy này có thể chạy các chương trình khác nhau tuy nhiên phần mềm quản lý bán hàng chỉ chạy được sản phẩm của họ.
Máy Pos Sumi
Máy Pos Sumi là sản phẩm được Ocha cung cấp độc quyền vào thời điểm ra mắt. Máy này được cài hệ điều hành Android chứ không như các máy POS khác chạy window trên thị trường. Cũng chính vì vậy mà cũng có một số bất tiện đối với người dùng như các ứng dụng window không thể cài đặt được.
Máy Pos Sumi lúc đó tạo ra cơn sốt vì với chi phí chỉ 15 triệu đồng nếu mua máy. Máy Pos này có tích hợp một máy in hóa đơn K80 cắt giấy tự động. Chính vì thế gần như Ocha có thể phủ thị trường trong thời gian ngắn.
Tôi còn nhớ vào năm 2017 khi đến với Asiana Food Town (Chợ Ẩm Thực Dưới Lòng Đất) hoàn toàn chỉ thấy các cửa hàng sử dụng máy POS của Ocha mà thôi. Lác đác lâu lâu mới thấy được vài chiếc máy tính tiền của công ty Lý Phú Vinh. Ngoài ra các phần mềm quản lý nhà hàng, quán cafe của Việt Nam gần như không hiện diện.
Đi dọc các con phố tại Quận 1 – Trung tâm TP.HCM thì 50% cửa hàng đã lắp và sử dụng máy này của Ocha. Tại sao Ocha làm được điều này mình sẽ phân tích ở phần sau.
Phần mềm quản lý bán hàng OCha
Phần mềm quản lý bán hàng của Ocha được cung cấp miễn phí bao gồm ứng dụng order thanh toán trên máy Pos Sumi và ứng dụng quản lý trên điện thoại di động. Khách hàng chỉ cần thuê máy Pos hoặc mua thì sẽ được sử dụng phần mềm quản lý bán hàng tặng kèm.
Về mặt định vị sản phẩm phần mềm quản lý bán hàng Ocha chỉ nhắm vào các chức năng cơ bản của ngành F&B. Đây cũng là một điểm mạnh nhưng là yếu điểm khiến Ocha nhanh đến và cũng nhanh đi tại các cửa hàng.
Chiến lược bán hàng và thâu tóm thị trường phần mềm quản lý bán hàng của Ocha
Nếu dùng một câu để mô tả chiến lược đánh chiếm thị trường phần mềm quản lý bán hàng của Ocha. Mình sẽ dùng từ “Lấy tiền đè người”. Thời điểm ra mặt họ cho phép người dùng dùng thử miễn phí trong vòng 3 tháng. Sẽ có nhân viên mang máy Pos Sumi đến, nhập liệu menu và hướng dẫn sử dụng. Tất nhiên là một chủ quán ăn, nhà hàng, quán cafe bạn sẽ rất thích điều này. Nhờ cách trên mà Ocha đã hiện diện ở mọi ngóc ngách. Lý do chính vì dùng thử tới 3 tháng có máy Pos, máy in và ứng dụng thì quá tiện rồi còn gì.
Sau khi những khách hàng đã sử dụng phần mềm quản lý và máy Pos của Ocha. Họ sẽ có 2 phương án cho khách hàng lựa chọn:
- Phương án 1: Mua máy với giá 15.000.000đ sau đó giảm xuống còn 12.500.000đ trong giai đoạn 2018.
- Phương án 2: Thuê máy POS với chi phí 250.000đ/tháng.
Nếu tính và so sánh 2 phương án này thì tính ra một năm sẽ phải trả 3 triệu. Thông thường người dùng sẽ thích phương án thuê hơn, và thực sự thực tế cũng cho thấy nhận định số lượng người thuê máy khá nhiều.
Ưu điểm của chiến lược đánh chiếm thị trường này
Một số ưu điểm khi tiếp xúc với khách hàng sử dụng máy POS và phần mềm của Ocha mình ghi nhận như sau:
- Tiện lợi và gọn nhẹ: Máy Pos giúp thao tác bán hàng, in hóa đơn khá đơn giản. Nhất là những người không quá rành về máy tính cũng dễ dàng sử dụng;
- Chi phí khá hợp lý: Chỉ với 250.000đ/tháng sẽ không đáng là bao. Tính ra mỗi ngày tốn chưa tới 10.000đ vừa có thể dùng máy POS, vừa có phần mềm quản lý bán hàng để sử dụng;
- So sánh với các đơn vị khác trên thị trường thì Ocha rất rẻ. Các công ty khác trên thị trường thời điểm này thường sẽ cài phần mềm quản lý bán hàng trên máy tính. Vì vậy đối với cửa hàng chưa có máy tính thì phải tốn thêm khoản mua máy tính và máy in. Chi phí khoảng 6 triệu khấu hao trong 3 năm. Như vậy rõ ràng bài toán tài chính của Ocha sẽ ổn và an toàn hơn;
- Nhân sự Ocha đông và đa phần là các bạn trẻ. Họ rất nhạy bén về công nghệ và chi phí trả lương cũng không quá lớn. Nếu so với anh lớn trên thị trường là CukCuk thì rõ ràng Ocha có lợi thế hơn nhiều.
Nhược điểm của Ocha
Nói nhiều về ưu điểm rồi, tuy nhiên đó là cái nhìn về mặt ngắn hạn thôi. Nếu xét về mặt dài hạn, tôi và anh Cao Trung Hiếu – CEO Dân Trí Soft đã có khá nhiều đánh giá và nhận định thời điểm đó. Bản thân tôi năm 2017 nhận định Ocha chỉ tồn tại được khoảng 5 năm là cùng. Lý do như sau:
Điểm yếu của máy Pos Sumi
Nếu ai dùng máy Pos Sumi của Ocha chắc chắn sẽ cảm nhận được má khá yếu. Sau một thời gian sử dụng ngắn tầm vài tháng thì độ nhạy cũng sẽ mất đi. Cho dù Ocha chấp nhận đổi máy cho khách gặp vấn đề tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bình thường của cửa hàng. Ocha có đổi máy thì cũng theo kiểu mang về sửa rồi đổi qua đổi lại. Chính vì thế sự ổn định của Pos Sumi là điểm yếu chí mạng.
Về mặt giá bán của Pos Sumi thật ra nếu những người rành về máy móc một tí thì bạn hoàn toàn có thể thấy giá bán là quá cao. Cho đến hiện tại nhiều công ty đang sử dụng máy này để cung cấp thì mức giá cũng chỉ tầm 8 triệu mà thôi. Nếu so sánh Pos Sumi so với các dòng máy khách của Lenovo hay HP thì chắc chắn họ sẽ không thể nào so sánh về công năng hay độ bền được.
Điểm yếu của phần mềm quản lý bán hàng
Nếu xuất phát điểm của nhiều công ty phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam là các chủ kinh doanh. Họ đã gặp những vấn đề khó khăn khi số hóa hoạt động bán hàng và quản lý của mình. Từ đó họ đưa ra những tiêu chí xây dựng và phát triển sản phẩm. Thì Ocha thuần là công ty công nghệ chưa có nhiều va chạm với các nghiệp vụ quản lý của ngành F&B. Chính vì thế nhiều người đưa ra nhận định chức năng của OCha khá “Nông”. Cụ thể có thể kể tới:
- Không có chức năng phân quyền nhân viên. Đây là điều rất nguy hiểm mà trong bài viết 10 cách nhân viên quán cafe gian lận mình có phân tích khá kỹ;
- Không có chức năng định lượng hàng bán. Điều này là trở ngại rất lớn với các cửa hàng vừa và lớn để quản lý kho hàng của mình;
- Không có ứng dụng order trên điện thoại di động. Chính vì vậy các quán cafe sân vườn, quy mô vừa và lớn cũng khó có thể dùng được Ocha.
Điểm yếu của mô hình tài chính
Bản thân mình không phải là dân tài chính, tuy nhiên mình cũng trao đổi với một số anh chị có chuyên môn. Bản thân mình đưa ra một số nhận định về vấn đề tài chính của Ocha như sau:
Thứ nhất mục tiêu kinh doanh của Ocha không phải là lợi nhuận. Họ hoạt động để phủ kín thị trường tạo bàn đạp cho AirPay có thể tham gia vào thanh toán tại các nhà hàng, quán ăn. Bạn có thể thấy điều này qua hoạt động của Shopee.
Thứ hai Ocha hoạt động phục thuộc nhiều vào khả năng rót vốn từ công ty mẹ Sea Group. Chính vì vậy khi số tiền đưa xuống là đốt hết, đốt một cách vô tội vạ để lấy các chỉ số tăng trưởng. Bạn biết rồi đấy, miệng ăn thì núi đổ. Tiền trả cho đối tác cung cấp phần cứng, bộ máy nhân sự quá lớn so với khoản doanh thu hạn hẹp mà Ocha có thể thu về.
Bản thân mình nhận thấy sự dừng lại của Ocha phần lớn nằm ở bài toán kinh doanh ban đầu của họ. Số tiền chi quá nhiều và thu rất ít cộng với dịch Covid-19 đã gây ra cho công ty rất nhiều khó khăn.
Ocha bây giờ ra sao
Tìm hiểu qua một số cộng đồng nhà hàng, quán cafe và trên website chính thức của công ty. Một điều đáng buồn rằng Ocha đã thu hẹp hoạt động khá nhiều và dần như đã mất hút khỏi thị trường. Một số ý kiến của anh chị chủ quán như sau:
Bạn Huong Giang Ngo: Nghe là bán rồi;
Bạn Tuấn Vik: Phá sản nghỉ lâu rồi. Ai mua máy rồi thì sài bình thường máy thuê thì bị khoá lâu rồi. Mình có cái gọi cty lên thu hồi về hoài nó còn ko thèm lên;
Bạn Hậu Tít: Hoạt động bình thường.
Thông báo mới nhất của Ocha
Theo tìm hiểu thông báo mới nhất đưa ra ngày 08/03/2021 của Ocha cụ thể có những ý sau:
1. Ai đang thuê máy của Ocha thì cần mua máy để có thể dùng tiếp. Sau 1/4/2021 Ocha sẽ ngừng cung cấp dịch vụ thuê máy;
2. Khách hàng còn hợp đồng thuê máy thì sẽ tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn hợp đồng thuê;
3. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng quản lý của Ocha trên thiết bị của mình (Tuy nhiên chưa rõ là thiết bị nào thì có thể dùng được).
Như vậy có thể thấy rằng Ocha đã gần như dừng cung cấp mới dịch vụ. Đồng nghĩa họ chỉ hoạt động cầm chừng để phục vụ những khách hàng còn hợp đồng.
Sắp tới Ocha có quay lại hoạt động hay không
Bản thân mình chưa có đủ thông tin để đánh giá chính xác vấn đề này. Tuy nhiên theo hiểu biết và đánh giá cá nhân thì rất khó để Ocha có thể quay lại vì một số lý do sau:
- Khó khăn từ Covid-19 khiến tài chính của Ocha có vấn đề lớn, đội ngũ nhân sự cũng ảnh hưởng rất nhiều;
- Mảng kinh doanh phần mềm quản lý bán hàng đang được các công ty Việt làm rất tốt, để Ocha có thể chen chân vào lại là điều không dễ dàng;
- Đánh giá của người dùng về Ocha hiện tại không có nhiều thiện cảm.
Chính vì vậy mình dự đoán Ocha sẽ đóng cửa vĩnh viễn trong thời gian tới. Giai đoạn hiện tại chỉ hoạt động cầm chừng mà thôi.
Những điều mà Ocha đã làm được
Đứng ở góc độ là một người tư vấn phần mềm quản lý bán hàng. Mr Quản rất biết ơn Ocha vì họ đã góp phần thay đổi thói quen rất lớn cho cộng đồng doanh chủ Việt Nam. Từ thời điểm số lượng cửa hàng sử dụng phần mềm quản lý bán hàng chỉ ở khoản vài phần trăm. Cho đến này có thể nói số lượng này đã có sự tăng trưởng vượt bật. Tuy chưa có một báo cáo uy tín nào nhưng theo thống kê lượng người dùng phần mềm quản lý bán hàng của 5 công ty lớn nhất Việt Nam mình có thể dự đoán con số nằm ở khoản 250.000/ 1.500.000 cửa hàng tại Việt Nam.
Tất nhiên là con số ấn tượng này không chỉ là công sức của công ty Ocha. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng họ có tác động rất lớn đến hành vi quản lý kinh doanh của người Việt Nam.
Cho tới hiện tại thị trường các công ty cung cấp phần mềm quản lý bán hàng đã dần định hình. Tuy nhiên sự ảnh hưởng của Ocha không phải là nhỏ.
Thị trường cung cấp phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam
Trên thị trường hiện tại còn sự hiện diện của không ít phần mềm quản lý quán cafe và phần mềm quản lý bán hàng khác. Các bạn có thể tham khảo thêm. Điều này chứng minh các công ty công nghệ Việt hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên một vấn đề lớn hiện tại vẫn là sự thâu tóm của các nguồn vốn ngoại. Liệu rằng công ty nào sẽ giữ quyền sở hữu lớn của các ông chủ Việt. Hay sẽ đánh đổi sự độc lập với nguồn tài chính lớn để phát triển thần tốc.
Bài viết này đưa ra để bàn luận và phân tích thêm chiến lược sản phẩm và bán hàng phần mềm quản lý. Chứ không nhằm mục đích xúc phạm, bêu xấu tổ chức nào.