Kinh nghiệm sang nhượng tạp hóa không lỗ 2021

5/5 - (1 bình chọn)

Khi kinh doanh, bất kỳ doanh chủ nào cũng mong muốn thành công. Chẳng ai thích thua lỗ hay thật ra ít ai nghĩ tới thua lỗ. Thực tế thị trường lại không nghĩ như thế. Thậm chí tỉ lệ thua lỗ khi kinh doanh ngày càng cao. Xu hướng người người, nhà nhà kinh doanh đang nổi lên. Thời đại 1 người bán vạn người mua đã qua đi. Kinh doanh tạp hóa cũng không đi ngoài xu hướng đo. Mỗi năm có hàng chục ngàn cửa hàng tạp hóa được sang nhượng vì nhiều lý do. Phần nhiều được đưa ra là có việc khác. Nhưng thật sự là không thấy có lời nên mới sang lại. Người sang lại cũng không có nhiều người biết cách làm. Thậm chí rất thiếu kinh nghiệm khi đánh giá sang nhượng cửa hàng tạp hóa. Trong bài viết này hãy cùng Mr Quản hãy cùng tìm hiểu những kinh nghiệm sang nhượng tạp hóa mới nhất.

Lý do sang nhượng cửa hàng tạp hóa

Bạn sẽ thấy những lý do thường sẽ như thế này. “Do có công việc riêng” “Do chuyển đổi công việc” “Có lý do gia đình” vân vân và mây mây lý do. Nhưng trong quá trình làm việc và tư vấn của mình. Mr Quản cho rằng 90% lý do đến từ việc kinh doanh không thuận lợi. Không những không có lời mà nhiều anh chị còn thua lỗ khi kinh doanh tạp hóa.

Tại sao lại phải sang nhượng cửa hàng tạp hóa
Tại sao lại phải sang nhượng cửa hàng tạp hóa

Người ngoài cuộc nhìn vào sẽ thấy màu hồng. Còn “trong chăn thì mới biết chăn có rận”. Chính vì vậy người chủ hiện tại là người hiểu nhất tình hình của cửa hàng. Có người vì lý do sai mặt bằng nên không phát triển được. Có người thấy thực tế không như tưởng tượng khi bắt đầu nên chán nản, mất lửa. Trong bài viết kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa mình đã đề cập tầm quan trọng của mặt bằng và lửa khi kinh doanh. Anh chị có thể tìm đọc lại.

Mình không phủ nhận vẫn có số ít trường hợp sang nhượng cửa hàng tạp hóa vì lý do công việc, gia đình. Nhưng tỉ lệ này khá thấp vì cơ bản nếu mà kinh doanh tốt họ sẽ để người nhà làm. Chứ chẳng bao giờ sang lại cho bạn đâu.

Tại sao kinh doanh tạp hóa không như kỳ vọng

Thật ra câu trả lời khá đơn giản: Do kỳ vọng cao hơn sức có thể làm. Một bộ phận anh chị khi mở cửa hàng tạp hóa thiếu kinh nghiệm kinh doanh. mặt bằng chọn không tốt. Thiếu khả năng chăm sóc để phát triển khách hàng. Tuy nhiên khi bắt đầu trong mắt lại toàn màu hồng. Nghĩ rằng mở cửa hàng ra là sẽ đông. Cạnh tranh giá tốt tí là sẽ đông.

Nhưng tiếc là thị trường lại không nói như vậy. Từ đó dần dần cảm thấy việc mua bán ế ẩm. Doanh thu thì lẹt đẹt, tồn kho thì nhập quá trời do tụi nhà phân phối bơm khuyến mãi giờ bán không được. Chán nản và chẳng tìm ra cách để thay đổi. Giờ mà đổi mặt bằng là tốn đống tiền nữa. Cứ mãi vậy không ổn, thôi thì sang nhượng tiệm tạp hóa lại cho rồi.

Kinh nghiệm ở chỗ này anh chị phải hiểu được biểu đồ tăng trưởng kinh doanh như hình bên dưới trước khi kinh doanh. Buôn bán tạp hóa bản chất là tích lũy khách hàng. Những người này chiếm tới 70% doanh thu của bạn. Bạn cần làm cho tệp khách hàng này ngày càng tăng lên. Đừng mở mộng mở quán ra là sẽ đông.

Ưu nhược điểm của sang nhượng tạp hóa

Sang quán tạp hóa mang trong mình những điểm ưu việt. Các yếu tố về mặt bằng, dân cư, doanh thu khá rõ ràng. Nhưng do đã vận hành nên cũng cần đánh giá mức độ hiệu quả. Lỡ sang quán hoạt động không hiệu quả thì có cách nào để hiệu quả không.

Nghiên cứu thị trường khi kinh doanh tạp hóa, siêu thị
Nghiên cứu thị trường khi kinh doanh tạp hóa, siêu thị

Ưu điểm sang nhượng tạp hóa

Dễ dàng đánh giá hiệu quả: Bạn chỉ cần quan sát cửa hàng trong 2, 3 ngày là có thể dễ dàng cảm nhận được dân cư, khách hàng tại cửa hàng. Nó không giống như sự mập mờ khi đi mở cửa hàng mới toanh.

Mô hình đã hoạt động: Nhờ cửa hàng đã hoạt động nên bạn cũng dễ dàng bước vào để bán ngay. Không cần các bước rô đa như mở 1 quán mới.

Lượng hàng hóa sẵn: Khỏi phải đau đầu chọn nhà cung cấp. Khỏi lo nhập hàng nào khách hàng chuộng. Tất cả đã có sẵn.

Nhược điểm sang nhượng tạp hóa

Định hình thượng hiệu trước: Cửa hàng này được khách hàng lân cận định vị rồi. Ví dụ người chủ khó tính nên khách sẽ không vào nữa. Hoặc người chủ vui vẻ được khách yêu quý. Đây là một trở ngại lớn mà bạn cần chủ bị phương án khắc phục hoặc phát huy.

Thời gian thuê mặt bằng còn ít: Thường người chủ cũ sẽ ký hợp đồng khoản 3 năm. Kinh doanh được thời gian rồi mới sang lại cho bạn. Thời gian của bạn còn lại có giúp thu hồi vốn và có được 1 khoản lợi nhuận không?

Đã được decor sẵn: Tất nhiên nếu bạn thấy đây là ưu điểm cũng được. Tuy nhiên việc bố trí trước này bạn vẫn phải trả tiền trong khoản sang nhượng.

Tránh sai lầm khi sang lại cửa hàng tạp hóa

Bạn đi sang lại cửa hàng tạp hóa của người khác tức là đi đầu tư để hi vọng có lời. Nhưng ngoài cách đầu tư này có hàng ngàn cách đầu tư khác. Nên tại sao phải chọn ngành tạp hóa. Bạn có phù hợp với ngành này không. Hay làm được vài tháng rồi nản chí rồi cũng phải sang nhượng tạp hóa lại. Hãy nghĩ tới đường lùi trước anh chị nhé.

Sai lầm khi sang tiệm tạp hóa
Sai lầm khi sang tiệm tạp hóa

Không kinh doanh tạp hóa còn hàng ngàn công việc khác

Mỗi người được sinh ra và lớn lên chỉ phù hợp với 1 số ít công việc. Không phải ai cũng mở cửa hàng tạp hóa được. Đây là công việc cần sự kiên trì ngày qua ngày. Bỏ một cục tiền nhưng thu về nhỏ giọt. Hãy tự hỏi bản thân mình làm ngành này vì cái gì, để làm gì. Nếu chỉ vì tiền thôi thì tại sao không phải ngành khác mà phải là tạp hóa.

Thay vì bỏ 300tr ra sang lại tiệm tạp hóa thì mua vàng cất, mua đô cất hoặc bỏ ngân hàng. Thậm chí mang tiền ra đầu tư đất nền có phải ngon hơn không. Tất cả đều ra tiền và có vẻ an toàn hơn. Trong thời gian không làm tạp hóa bận vẫn có thể đi làm thuê kiếm thêm tiền mà.

Không sang chỗ này thì sang chỗ khác

Khi sang nhượng cửa hàng tạp hóa phải tỉnh, phải Quách văn Tỉnh anh chị nhé. Vì những lúc cảm xúc lên ngôi cọc 1 phát rồi về nhà nghĩ lại thấy hối hận. Bạn cần phải đánh giá thật kỹ những yếu tố:

  • Giá nhượng ổn chưa;
  • Sang rồi có lời không;
  • Làm sao để phát triển cửa hàng;

Chỉ khi trả lời được cả ba yếu tố trên thì mới nên xuống tiền. Không việc gì phải nôn nóng. Người khác giành sang mất thì thôi tìm quán khác. Không quán này thì có quán khác hoặc tự mở mới. Phải có lời mới làm. Làm mà lỗ thì khác gì mang tiền mua sữa cho con mình đi cho con đứa khác.

Những yếu tố cần đánh giá khi sang nhượng tạp hóa

Những con số biết nói giúp định giá được con số cần cho phi vụ sang nhượng cửa hàng tạp hóa này. Cơ sở nào để ra được con số 200tr hay 300tr để sang nhượng. Các chỉ số về mặt bằng, dân cư, tài chính cần được tính tới để ra được con số. Những tiêu chí sau đây mình đưa ra sẽ giúp anh chị đánh giá được phi vụ sang quán tạp hóa này có lỗ hay không.

Yếu tố mặt bằng cửa hàng tạp hóa

Mặt bằng luôn là yếu tố đầu tiên khi kinh doanh tạp hóa. Mặt bằng tốt giúp lượng khách tiềm năng đông. Mặt bằng tệ làm kiểu gì cũng vắng khách. Điều này luôn đúng với mở cửa hàng tạp hóa. Nếu có cơ hội hãy tối ưu các tiêu chí mặt bằng sau:

  • Mặt đường rộng, 2 chiều xe: Lượng khách tiếp cận là rất nhiều, lượng khách vãng lai cũng không ít;
  • Gần công trình tiện ích: Gần chợ, khu dân cư, trường học, bệnh viện, ủy ban v.v. Những địa điểm này tập trung lượng lớn người có nhu cầu mua tạp hóa. Dù có giá thuê cao một tí nhưng lượng khách sẽ rất ổn.
  • Có chỗ để xe được được tí: Đừng chọn mặt bằng mà khách phải dựng xe dưới lòng đường. Vẫn được nếu ở chợ nhưng điều này rất nguy hiểm khi ở ngoài phạm vi thật sự đông đúc. Cũng không cần phải như kiểu Bách Hóa Xanh hay Vinmart đâu. Để được 5, 6 chiếc xe là ổn rồi.
  • Mặt tiền thoáng đãng: Khách hàng thích sự rõ ràng, nhất là mặt tiền. Chọn mặt tiền đẹp giúp khách dễ thấy và tập vào cửa hàng hơn.

Yếu tố khách hàng, dân cư

Khi mở quán tạp hóa thì cần cân nhắc tới yếu tố dân cư. Nhưng khi sang nhượng tạp hóa thì cần cân nhắc về khách hàng. Bởi vì quán đã hoạt động thì chỉ số về khách hàng quan trọng hơn nhiều. Nếu có sử dụng phần mềm quản lý cửa hàng tạp hóa thì điều rất tuyệt vời. Vì lúc này các số liệu rất thực tế và mô tả rõ con số khách hàng và doanh số kinh doanh.

Nếu trường hợp chủ quán cũ không có sử dụng phần mềm quản lý tạp hóa. Hoặc có nhưng họ nói với bạn nhập không đủ thì bạn cần hết sức thận trọng để đánh giá. Tất nhiên là có phần mềm thì cũng phải thận trọng trường hợp bị tăng số bill so với thực tế.

Bạn cần vài ngày để quan sát hoạt động của cửa hàng. Tính toán xem lượng khách và doanh thu nếu không có tác động mới của bạn vào sẽ như thế nào. Ngành tạp hóa hay ở chỗ khách hàng khá đều. Nên chỉ cần vài ngày là thấy được tình hình kinh doanh ngay thôi.

Yếu tố báo cáo kinh doanh

Một báo cáo kinh doanh chi tiết trong 1 và 3 tháng là điều ít cửa hàng nào có được. Đây là điều mà Mr Quản rất lấy làm tiếc về thực trạng quản lý kinh doanh của nhiều doanh chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên cho dù không sử dụng phần mềm quản lý bán hàng. Thì vẫn phải đưa ra một báo cáo kinh doanh ước chừng để có thể đánh giá tình hình hoạt động của cửa hàng. Nếu chủ quán cũ không đưa ra thì bạn phải tự đưa ra để tự đánh giá.

Không có báo cáo kinh doanh cũ thì con số sang nhượng tạp hóa sẽ khó mà chuẩn được. Có 2 báo cáo cần phải nắm là báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo dòng tiền.

Báo cáo kết quả kinh doanh

Yếu tốChỉ số (đ)Tỉ trọng (%)
1. Doanh thu 120.000.000100
2. Khấu hao tài sản CĐ1.600.000 1,33
3. Giá vốn hàng bán80.000.000 66.67
4. Chi phí quản lý (4.1 + 4.2 + 4.3 + 4.4)22.200.00018,5
4.1 Chi phí lương10.000.000
4.2 Chi phí mặt bằng7.000.000
4.3 Chi phí điện nước2.200.000
4.4 Chi phí khác3.000.000
5. Chi phí bán hàng (5.1+5.2)4.000.000 3,33
5.1 Chi phí Marketing1.000.000
5.2 Chi phí khuyến mãi3.000.000
6. Tổng chi phí (4+5)107.800.000 89,8
Lợi nhuận thuần (1-6)12.200.00010,2

** Lưu ý: Các con số trên là giả định

Báo cáo dòng tiền

1. Đầu kỳ30.000.000
2. Chi trong kỳ78.200.000
2.1 Chi mua hàng hóa56.000.000
2.2 Chi lương10.000.000
2.3 Chi điện nước2.200.000
2.4 Chi mặt bằng7.000.000
2.5 Chi khác3.000.000
Thu trong kỳ116.000.000
Cuối kỳ67.800.000

** Lưu ý: Các con số trên là giả định

Yếu tố tồn kho

Khi sang lại cửa hàng tạp hóa thì tất nhiên bạn cũng sẽ sang luôn hàng bán. Số lượng hàng bán trong kho đang là như thế nào. Giá trị tầm bao nhiêu. Hạn sử dụng ở mức ra sao là những yếu tố để đánh giá giá trị thực để chuyển nhượng. Nếu chủ quán sử dụng phần mềm quản lý tạp hóa thì lại là một điều tuyệt vời nữa. Việc tính toán sẽ rất nhanh và chuẩn xác.

Trong quá trình sang nhượng cửa hàng tạp hóa. Hai bên cần có danh sách hàng hóa chuyển giao cụ thể. Cứ rõ ràng rành mạch đẻ mất lòng trước mà được lòng sau.

Tính tồn kho khi sang nhượng tạp hóa
Tính tồn kho khi sang nhượng tạp hóa

Cách đánh giá giá trị hàng tồn kho khi sang cửa hàng tạp hóa

Tất cả dựa trên giá nhập từ nhà cung cấp giảm đi một khoảng nào đó. Khỏang giảm cần dựa vào các yếu tố:

  • Độ mới trung bình của sản phẩm;
  • Hạn sử dụng trung bình của sản phẩm;
  • Nhu cầu trung bình của khách hàng lân cận của sản phẩm.

Nếu tính toán giá vốn hàng hóa trong kho khoảng 200.000.000đ thì thông thường bạn chỉ nên lấy lại với giá khoảng 170.000.000 (Tức 85% giá trị). 15% kia là rủi ro không tiêu thụ được hàng, hàng không trả lại được nhà cung cấp. Tuyệt đối đừng dại dột mua lại đúng giá trị khi nhập. Thậm chí có vài trường hợp con số nhập lại chỉ là 75% giá trị thôi.

Định giá khi sang nhượng cửa hàng tạp hóa

Để tính toán được giá sang nhượng cửa hàng tạp hóa chuẩn mình dựa vào công thức sau:

(Giá trị tồn kho x 85% + Cọc mặt bằng + Khấu hao còn lại x 60%) x Chỉ số kinh doanh

Ví dụ: (200.000.000đ x 85% + Cọc mặt bằng 3 tháng 21.000.000đ + Khấu hao còn lại 50.000.000đ x 60%) x 1,15 = 254.150.000đ

Giá trị tồn kho: Đã trình bày trong phần tồn kho;

Cọc mặt bằng: Tiền cọc mặt bằng chuyển đổi của chủ củ với chủ mặt bằng;

Khấu hao còn lại: Tức khấu hao tài sản cố định chưa xong. Ví dụ người chủ cũ đầu tư 60 triệu để thiết kế, sửa sang mua vật dụng. Tính toán khấu hao đều trong 3 năm. Thì mỗi tháng sẽ khấu hao 1.666.667đ. Nếu đã qua 6 tháng thì khấu hao còn lại là:

60.000.000 – 1.666.667 x 6 tháng = 50.000.000đ

Lý do nhân với hệ số 60% bởi vì vật dụng đã được mua, giá trị thật bị giảm bớt. Người chủ mới không được sử dụng theo ý mình. Nếu muốn theo ý phải đầu tư thêm.

Kinh nghiệm sang nhượng tạp hóa
Kinh nghiệm sang nhượng tạp hóa

Chỉ số kinh doanh

Rất ít anh chị sang nhượng tạp hóa, hay những người tư vấn sang nhượng đề cập tới chỉ số này. Mình lại dựa vào chỉ số này để đánh giá giá trị thật khi sang nhượng. Nôm na có thể hiểu chị sổ này dao động từ 0,8 đến 1,2. Để định vị được con số này cần dựa vào:

  • Yếu tố mặt bằng;
  • Yếu tố tài chính kinh doanh hiện tại;
  • Yếu tố khách hàng hiện hữu của cửa hàng;
  • Yếu tố thiện chí của chủ sang nhượng.

Cụ thể trong từng trường hợp sang nhượng sẽ có cách tiếp cận khác nhau tùy tình hình.

Trên đây là toàn bộ chia sẻ về kinh nghiệm sang nhượng cửa hàng tạp hóa. Rất mong nhận được sự góp ý từ quý anh chị. Chúc anh chị thành công

Trung Mạc là tác giả, điều hành tại Blog Mr Quản. Trung có kinh nghiệm hơn 8 năm trong lĩnh vực quản lý bán hàng.

Block "block-lien-he" not found

Bài Viết Cùng Chuyên Mục

Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
DMCA.com Protection Status